Năm 2020: Trái đất nóng nhất từ trước đến nay - Năm 2021 cũng không ngoại lệ

Mới đây, Cơ quan hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) đã khẳng định, năm 2020 là năm nóng nhất của Trái đất, vượt qua cả năm 2016. Năm 2020 đã mang đến một mùa bão kỷ lục, cháy rừng cực độ, sóng nhiệt và những cơn bão gây ra lũ lụt cho Hoa Kỳ. Cường độ của những thảm họa khí hậu này một phần có liên quan đến nhiệt độ tăng.

Chó kéo xe lội nước sâu đến mắt cá chân trên đỉnh một tảng băng tan chảy ở tây bắc Đan Mạch.

Thời tiết khắc nghiệt có liên quan đến nhiệt độ tăng

Mới đây, NASA đã cho biết năm 2020 là năm nóng nhất trên hành tinh trong khoảng nhiều thập niên trở lại đây, nóng hơn năm 2016 khoảng 1/10oC. Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2020 ấm hơn 1,84 độ F (1oC) so với mức trung bình trong 30 năm (1951-1980). Một nghiên cứu khác về sự nóng lên toàn cầu do Cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) thực hiện cũng cho thấy, năm 2020 thực sự là năm ấm thứ hai (sau năm 2016) trong vòng 120 năm trở lại đây (1901-2020).

Dữ liệu có thể giúp giải thích tại sao cuộc khủng hoảng khí hậu lại diễn biến tiêu cực lên một tầm cao mới vào năm 2020, đặc biệt là ở Mỹ. Các nhà khoa học hiện chưa có đủ căn cứ để khẳng định liệu một cơn bão hay đám cháy có phải do biến đổi khí hậu trực tiếp gây ra hay không, vì nó bị tác động bởi nhiều yếu tố. Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia đồng ý rằng: khi Trái đất ấm lên thì thời tiết cũng trở nên khắc nghiệt hơn.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà năm nóng nhất của Trái đất cũng là năm bị ảnh hưởng bởi nhiều hiện tượng thời tiết kỳ lạ. Cháy rừng bùng phát khắp miền đông Australia vào tháng 1/2020. Ở Nam Mỹ, vùng đất ngập nước nhiệt đới lớn nhất trên Trái đất đã bốc cháy. Bão Goni đổ bộ vào Philippines với sức gió duy trì 195 dặm/giờ, khiến nó trở thành cơn bão nhiệt đới đổ bộ mạnh nhất trong lịch sử. Một sông băng khổng lồ đã phá vỡ thềm băng ở Greenland và trôi ra biển.

Các nhà khoa học của NOAA đã chỉ ra rằng, khí hậu thay đổi đang góp phần gây ra các trận cuồng phong mạnh hơn; các đợt nắng nóng gay gắt hơn; các đám cháy rừng lớn hơn, tàn phá khủng khiếp hơn; và lượng mưa lớn hơn có thể gây lũ lụt. Jim Kossin - một nhà khoa học khí quyển tại NOAA cho biết: “Sự nóng lên toàn cầu không nhất thiết làm tăng sự hình thành bão nhiệt đới nói chung, nhưng khi chúng ta gặp bão, nó có nhiều khả năng trở nên mạnh hơn. Và những ‘cái mạnh hơn’ mới thực sự quan trọng". Một số nghiên cứu cũng đã liên hệ khí hậu ấm lên với sự xuất hiện quen thuộc của xoáy cực ở vĩ độ ôn đới. Nhiệt độ tăng cao thậm chí có thể là nguyên nhân dẫn đến các trận giông bão và lốc xoáy nghiêm trọng hơn.

Thiệt hại nặng nề

Năm 2020, không một vùng nào của Hoa Kỳ thoát khỏi thảm họa. Các đợt nắng nóng làm khô phía Tây và một cơn lốc vùng cực làm lạnh vùng Đông Bắc. Cháy rừng ở Tây Bắc Thái Bình Dương và Rockies đã buộc hàng chục nghìn người phải sơ tán khỏi nhà vào cuối mùa hè. Hơn 1,6 triệu ha rừng bị đốt cháy ở California (nhiều hơn gấp đôi so với kỷ lục trước đó). Hỏa hoạn đã giết chết ít nhất 31 người ở California, 9 người ở Oregon và 1 người ở Washington. Tại Colorado đã có 3/4 vụ cháy lớn nhất trong lịch sử của tiểu bang.

Một lính cứu hỏa theo dõi đám cháy vào ngày 6/9/2020 ở Hồ Shaver, California. 

Trong khi đó, trung tâm lục địa Hoa Kỳ phải chịu đựng những cơn bão, lũ lụt và lốc xoáy kỷ lục. Các nhà khoa học của NOAA cho biết: năm 2020, Hoa Kỳ đã có 22 thảm họa thời tiết và khí hậu (7 liên quan đến xoáy thuận nhiệt đới, 13 do bão nghiêm trọng, 1 do hạn hán và 1 do cháy rừng). Con số này đã xác lập kỷ lục mới (trước đó là 16 thảm họa vào năm 2017) gây tổng thiệt hại lên tới 95 tỷ USD.

Bão Laura đã tàn phá một khu vực lân cận bên ngoài hồ Charles, Louisiana (Hoa Kỳ).

Nắng nóng khắc nghiệt có thể khiến một số khu vực trên khắp miền Trung Hoa Kỳ, Trung Đông và Úc hầu như không thể sống được vào mùa hè. Các nhà khoa học dự đoán những cơn bão và hỏa hoạn cực đoan cũng sẽ trở nên tồi tệ hơn. Tất cả những điều đó có thể giáng một đòn mạnh vào sản xuất lương thực.

Một số thành phố cũng được cho là sẽ cạn kiệt nước. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu dự kiến  cắt giảm nghiêm trọng nguồn nước cho 8% dân số toàn cầu từ năm 2021 đến năm 2040.

Rừng nhiệt đới Amazon, các rạn san hô trên thế giới và dải băng Greenland đều có nguy cơ sụp đổ. Bắc cực đang trên đà mất nhiều băng trong thế kỷ này hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ Kỷ băng hà trước. Đến năm 2100, mực nước biển dâng cao có thể nuốt chửng các thành phố như New Orleans, Boston, Venice, Lagos và Jakarta, đẩy làn sóng tị nạn vào đất liền. Năm 2020 là một năm nóng kỷ lục, nhưng điều đó cũng chưa thực sự quá quan trọng mà điều quan trọng là xu hướng lâu dài. Theo đó, khi tác động của con người đến khí hậu tăng lên, chúng ta sẽ chứng kiến các kỷ lục sẽ tiếp tục bị phá vỡ.

(theo https://www.businessinsider.com)


Hãy để lại lời nhắn hoặc thảo luận cùng chúng tớ nhé!

Post a Comment (0)
Previous Post Next Post